Đợt sụt giảm bất ngờ ngày hôm qua là minh chứng cho thấy thị trường tiền điện tử đang bị thao túng trầm trọng. Bài viết này tác giả muốn thảo luận về chủ đề thao túng, và lý do vì sao nó chính là nguyên nhân khiến thị trường crypto sẽ mãi không bao giờ được công nhận và giao dịch chính quy như các thị trường tài chính khác, ít nhất là cho tới khi có quy định pháp lý rõ ràng từ chính phủ áp dụng lên thị trường này.
- Vốn hóa thị trường tiền điện tử bị “thổi bay” 11 tỷ USD trong vòng vài phút
- Nếu lặp lại chu kỳ trước, Bitcoin có thể chấm dứt thị trường gấu sau khi…
- Tom Lee: “Bitcoin sẽ kết thúc năm 2019 ở mức cao hơn nhiều $3,900 mà..
ToiYeuBitcoin.com đăng tải lại bài viết của tác giả Nhật Hoài từ Trader Việt, hi vọng giúp các bạn độc giả có cái nhìn rõ hơn về thao túng giá trong thị trường cryptocurrency.
Nội dung chính
Thao túng thị trường là gì?
Trước hết phải rõ ràng khái niệm thao túng đã. Nó là một dạng của việc lợi dụng hay cố gắng có chủ đích để xâm phạm vào hoạt động tự do và công bằng của thị trường tài chính và tạo ra các dấu hiệu giả hay lừa đảo liên quan đến giá của/hoặc thị trường cho một loại tài sản, chứng khoán, hàng hoá hay tiền tệ.

Thao túng thị trường bị cấm ở hầu hết các quốc gia, cụ thể tại Mỹ trong phần 9(a)(2) của Luật Sàn chứng khoán (Securities Exchange Act) năm 1934, ở Liên minh Châu Âu tại Phần 12 của bộ luật về hành vi lợi dụng thị trường (market abuse regulation), và tại Úc trong phần 1041A Luật Doanh nghiệp năm 2001.
Rất tiếc, chưa hề có bộ luật hay cơ quan nào cấm hành vi thao túng trên thị trường tiền điện tử trên toàn thế giới. Nên nó vẫn là mảnh đất màu mỡ để các cá nhân có khả năng thao túng lộng hành.
Các thể loại thao túng trên thị trường crypto
Có khá nhiều hình thức thao túng trên thị trường tài chính thế giới, và chỉ riêng crypto cũng đã xảy ra gần hết tất cả các hình thức thao túng rồi. Tác giả liệt kê một số hình thức như sau:
Stock bashing: Một người hoặc một nhóm người tạo ra các thông tin sai sự thật nhắm vào một công ty nhằm mục đích dìm giá đồng coin của công ty đó. Các thông tin này có thể được đăng trên các mạng xã hội, các hội nhóm đầu tư, vốn có tính lan truyền rất cao và hiệu ứng mạnh. Đây là một dạng của FUD (fear, uncertainty and doubt) trong crypto.
Pump and dump: Cái này là quá rõ ràng rồi. Pump and dump là kế hoạch phức tạp để thao túng giá của một đồng coin xác định nào đó. Hành động này được tạo ra bởi một hoặc một nhóm người nào đó đẩy giá của một mặt hàng nào đó lên cao, thu hút nhà đầu tư mới nhảy vào, rồi nhóm ban đầu thoát ra với lợi nhuận khủng.
Runs: Một nhóm các nhà giao dịch tạo ra các hoạt động và tin tức giả nhằm đẩy giá coin lên. Cái này khá tương tự pump and dump nhưng độ phức tạp thấp hơn, chỉ chủ yếu nhằm tạo ra hiện tượng FOMO (fear of missing out).

Wash trade: Người thao túng bán và mua lại cùng một đồng coin nhằm mục đích tạo ra các hoạt động giả và volume giả, thu hút các trader khác nhằm đẩy giá coin lên.
Spoofing: Spoofing là một cách giao dịch mà trong đó trader tạo một ấn tượng giả tạo cho thị trường bằng cách vào lệnh chờ và nhanh chóng thoát lệnh với một khối lượng cực kỳ lớn, với mục đích chính là làm giá.
Cornering the market: Trong chiến thuật này, người thao túng có khả năng mua vào một lượng lớn tài sản đủ để thao túng giá của tài sản đó. Trong crypto, những người này được mệnh danh là cá mập, hoặc cá voi các kiểu. Đây có lẽ cũng là thủ phạm của cú dump tối ngày 24/02.

Vì sao chừng nào còn thao túng, thị trường crypto chưa thể được giao dịch chính quy?
Thị trường là nơi diễn ra các hoạt động mua bán một cách công bằng và tự do, những người giao dịch trên thị trường đều mong muốn có sự công bằng và tự do đó. Đó là nguyên nhân các thị trường tài chính trên thế giới đều cấm hành vi thao túng.
Tuy nhiên, crypto trader lại không có được sự công bằng đó, khi mà luôn giao dịch trong sự nơm nớp lo sợ rằng stop loss của chúng ta luôn có nguy cơ bị xuyên thủng bởi một cú dump bất chợt của một con “cá mập” rảnh rang nào đó. Khi đó thì mọi phân tích, mọi mô hình giá hay hỗ trợ kháng cự đều không có ý nghĩa gì nữa. Ngoài ra, chúng ta còn phải chịu các rủi ro từ lừa đảo đến hack sàn và mất vốn.
Khi một thị trường tồn tại quá nhiều rủi ro tới mức lợi nhuận từ nó không thể được đánh đổi, lẽ dĩ nhiên nhà đầu tư sẽ rời bỏ thị trường đó.
Và đáng buồn thay, những vấn đề trên mà chúng ta đang nói, đã tồn tại trên thị trường crypto từ mấy năm nay, và chưa có cái nào có dấu hiệu giảm xuống cả.
Suốt năm 2018 vừa qua, có lẽ chỉ còn số ít trader là còn ở lại, phần lớn đã rời đi, và hầu như không có nhà đầu tư mới. Điều này càng làm cho vốn hoá thị trường giảm xuống còn bé tí, và thanh khoản ngày càng mỏng hơn, thao túng càng lộng hành nhiều hơn. Giống như một cái vòng lẩn quẩn không tìm thấy lối ra.
Trong khi đó, các chính phủ vẫn còn đang loay hoay với câu hỏi Bitcoin là gì, Crypto là gì, để mà phân loại chúng cho đúng vào các thể loại tài sản đang được giao dịch. Có quá nhiều vấn đề, mà thao túng là vấn đề đầu tiên cần được giải quyết, rồi hack sàn, bảo mật cá nhân, mất vốn của nhà đầu tư.
Có lẽ ngày mà thị trường cryptocurrency được công nhận và giao dịch chính quy vẫn còn xa lắm!
Tham gia kênh của chúng tôi để cập nhật tin tức và kiến thức hữu ích nhất tại:
- Telegram: https://t.me/toiyeubitcoin
- Facebook: https://www.facebook.com/toiyeubitcoindotcom/
Theo Traderviet
Biên soạn lại ToiYeuBitcoin